Đừng ngại ngần nói lời cảm ơn vì lòng biết ơn không chỉ khiến bạn sống hạnh phúc hơn mà còn khiến cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn
Trong thời đại hiện nay, việc các cha mẹ có thể giáo dục trẻ biết ứng xử sao cho phù hợp trong giao tiếp là điều hết sức quan trọng. Và việc trẻ có thể học nói lời cảm ơn là một kỹ năng vô cùng cần thiết trong giao tiếp hàng ngày. Một lời cảm ơn là vô cùng quan trọng để thể hiện sự biết ơn, lòng cảm kích và là điều kiện cần để trở thành một người tử tế!
Trong giao tiếp hàng ngày, có nhiều trường hợp mà chúng ta hay trẻ em cần phải học cách nói lời cảm ơn. Trong bài viết này, mình sẽ chỉ ra 6 trường hợp mà trẻ cần biết cách nói lời cảm ơn.
Học nói lời cảm ơn khi nhận được lời khen
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có rất nhiều câu trả lời mẫu khi chúng ta nhận được lời khen từ một người nào đó. Nhưng có lẽ, sẽ chẳng lời văn mẫu nào có hiệu quả tốt đẹp như cái cách mà chúng ta dùng lời cảm ơn để đáp lại những lời khen có cánh ấy.

Nhưng một điều kỳ lạ là chúng ta lại không thường đáp lại những lời khen bằng lời cảm ơn. Và điều còn kỳ lạ hơn nữa đấy là chúng ta lại thường dạy trẻ em né tránh những lời khen ấy trong vô thức như một hành động là biểu hiện của sự khiêm nhường. Đã bao nhiêu lần chúng ta nhận được những lời khen thật lòng và đáp lại những lời khen ấy với những câu như "Ôi! Áo này được tặng thôi ấy mà!", "Có gì đâu, tóc của mình toàn bị rối thôi",...
Nhìn vào cách chúng ta đáp lại những lời khen đấy, ta mới nhận thấy được rằng: tuy rằng chúng ta đều biết rằng ta cần phải đáp lại lời khen bằng một lời cảm ơn nhưng chúng ta vẫn được dạy rằng sự khiêm tốn mới là thứ quan trọng hơn khi được nhận lời khen. Mình không nói rằng sự khiêm tốn hay khiêm nhường không quan trọng, nhưng đôi khi chúng ta chỉ cần làm mọi thứ một cách đơn giản và hiệu quả hơn là sự né tránh như vậy rất nhiều!
Hãy tận hưởng lời khen và nói lời cảm ơn với người đã khen bạn. Đừng né tránh như thế nữa vì đôi khi chúng ta chỉ cần đơn giản trả lời "cảm ơn bạn! mình rất vui vì lời khen của bạn!" là đã đủ rồi.
Học nói lời cảm ơn thay cho lời xin lỗi
Chúng ta xin lỗi để thể hiện chúng ta đã làm sai điều gì đó nhưng không hề có ý định xấu. Chúng ta xin lỗi khi khiến người khác không hài lòng hoặc đôi khi chúng ta sử dụng lời xin lỗi như là một phương tiện xua tan sự bất đồng. Thế nhưng, lời xin lỗi có vị trí của riêng nó và đôi khi những lời xin lỗi không được đặt đúng chỗ sẽ chỉ khiến người khác thêm bực bội.

Vì vậy, thay vì lạm dụng lời xin lỗi ở mọi lúc, mọi nơi có thể một cách bừa bãi, đôi khi chúng ta cần phải biết sử dụng lời cảm ơn thay cho lời xin lỗi miễn cưỡng. Ví dụ, trong trường hợp bạn là người đễn trễ, thay vì nói "Xin lỗi vì mình đã đến trễ" hãy nói lời cảm ơn "cảm ơn vì đã bỏ thời gian để chờ đợi mình". Bằng cách thay thế lời xin lỗi bằng lời cảm ơn, bản thân chúng ta đang thể hiện sự trân trọng của bản thân đối với lòng tốt, sự đóng góp của người khác.
Thực tế là, việc chúng ta nói lời xin lỗi đang trở nên quá dễ dàng đến mức chúng ta không còn thực sự hiểu được giá trị của lời xin lỗi nữa. Và việc lạm dụng lời xin lỗi như vậy sẽ chỉ làm hình ảnh của bạn xấu đi trong mắt người khác. Vậy nên, nếu thực sự muốn gửi lời xin lỗi chân thành đến cho một ai đấy, hãy nói lời cảm ơn kết hợp với lời khen.
Học nói lời cảm ơn thay vì nói những lời "có lý"
Tuỳ vào từng trường hợp, từng hoàn cảnh không và thời gian, những lời "có lý" tưởng chừng như lại là "vô lý". Nó không vô lý về mặt ngữ cảnh, cũng chẳng phải là vô lý về ngữ nghĩa hay logic mà sự vô lý của những lời "có lý" đấy lại đến từ cảm xúc.
Hãy lấy ví dụ như này, khi có một người tâm sự với bạn rằng họ vừa bị mất chiếc điện thoại, bạn sẽ trả lời là gì? Có lẽ câu trả lời thường thấy nhất sẽ là "của đi thay người, bạn không phải buồn đâu!" hay là những câu trả lời tương tự. Mới nghe thì câu trả lời đấy không có gì bất hợp lý cả nhưng hãy nhìn thật sâu và suy nghĩ thật kỹ.

Điều mà người nói cần không phải là những lời "có nghĩa" mà lại "vô nghĩa" đấy, cái họ cần là sự đồng cảm và sự cảm thông. Và một lời cảm ơn sẽ đem lại sự đồng cảm và cảm thông đấy cho họ, tại sao ư? Lời cảm ơn sẽ bày tỏ sự trân trọng đối với cảm xúc mà họ đang gặp phải cũng như là sự trân trọng vì họ đã tâm sự với chúng ta. Sự trân trọng sẽ sinh ra lòng đồng cảm và sự cảm thông đối với hoàn cảnh của họ.
TẠM KẾT
Bài viết này sẽ tạm dừng ở 3 trường hợp trẻ cần học nói lời cảm ơn. Bạn có thể xem thêm phần 2 của bài viết tại ĐÂY.
Bài viết được mình tham khảo từ sách "Học nói lời cảm ơn" của tác giả Hoàng Anh Tú.
Bình luận