Là cha mẹ, hầu như ai cũng mong muốn có thể tạo dựng cho con mình một nền tảng vững chắc để thành công và hạnh phúc về sau. Tuy nhiên, nuôi dạy con hạnh phúc chưa bao giờ là một điều đơn giản, đặc biệt khi cha mẹ vẫn đang trên con đường học hỏi và tìm kiếm phương pháp nuôi dạy con. Cũng chính vì vậy, đôi khi cha mẹ còn có nhiều băn khoăn và nghi ngờ với một số lời khuyên.
Với bài viết này, chúng mình muốn tập trung đến các cách nuôi dạy con hạnh phúc theo góc nhìn của các nghiên cứu khoa học.
"Cách tốt nhất để làm cho một đứa trẻ ngoan là làm cho chúng hạnh phúc.” - Oscar Wilde
Bước 1: Cha mẹ hạnh phúc
Tiêu đề bước 1 nghe có vẻ kỳ lạ khi việc chúng ta quan tâm ở đây là làm thế nào để dạy con trở thành những đứa trẻ hạnh phúc. Nhưng trên thực tế thì đúng là vậy, điều đầu tiên là cha mẹ phải trở thành những con người hạnh phúc.
Con cái là những tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Các bé có thể tiếp thu và bắt chước hành động của người lớn một cách vô cùng nhanh chóng. Chính vì vậy, từng hành vi hay lối sống của cha mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con.
Một nghiên cứu chuyên sâu đã chỉ ra mối liên hệ giữa các cha mẹ thường có những biểu hiện chán nản, suy sụp với những tác động tiêu cực đến con cái của họ. Vậy nên, có thể nói rằng mức độ hạnh phúc của cha mẹ ảnh hưởng lớn đến mức độ hạnh phúc và thành công của con cái.
Nhưng đâu là bước đầu tiên để cha mẹ trở nên hạnh phúc hơn là gì?
Câu trả lời là cha mẹ hãy dành một chút thời gian thư giãn cho bản thân. Hãy tạo ra những khoảng thời gian vui chơi cùng với bạn bè vào mỗi cuối tuần.
Hãy đi chơi với bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình. Dành thời gian cho họ để tạo ra niềm vui, những tràng cười giòn giã. Vì tiếng cười dễ lan tỏa đến những người xung quanh. Chỉ với tiếng cười thôi cũng đã đủ đem lại một chút hạnh phúc cho cha mẹ. Các nhà khoa học thần kinh tin rằng việc nghe thấy một người khác cười sẽ kích hoạt các tế bào thần kinh phản chiếu trong một vùng não khiến người nghe cảm thấy như thể chính họ đang cười.
Bước 2: Kỳ vọng con nỗ lực chứ không phải sự hoàn hảo
Những bậc cha mẹ quá chú trọng đến thành tích có nhiều khả năng sẽ khiến con của họ bị trầm cảm, lo âu và lạm dụng chất kích thích hơn những đứa trẻ khác.
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng: Hãy khen ngợi trẻ về sự nỗ lực của các bé chứ không phải vì tài năng bẩm sinh của các em.
Kết quả trong một nghiên cứu đã chỉ ra rằng đa số những đứa trẻ mà được khen ngợi vì trí thông minh bẩm sinh của chúng thì sẽ mong muốn được nhận những câu đố dễ hơn. Điều đó giúp các bé đưa ra những đáp án an toàn và tránh khỏi mắc sai lầm rồi đánh mất danh hiệu “thông minh” đấy. Mặt khác, hơn 90% những đứa trẻ được khuyến khích phát triển tư duy đã chọn một câu đố khó hơn để tiếp tục thí nghiệm.
Tiến sĩ tâm lý học Carol Dweck giải thích: “Khi chúng tôi khen ngợi trẻ về những nỗ lực và sự chăm chỉ đã giúp các bé đạt thành tích, trẻ em sẽ có xu hướng muốn tiếp tục cố gắng hơn nữa. Các bé hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi việc đánh giá mức độ thông minh của chính mình.”
Bước 3: Dạy con lạc quan
Nhà xã hội học Christine Carter đã nói rằng: “Lạc quan có liên quan mật thiết đến hạnh phúc, đến mức chúng ta có thể đánh đồng cả hai điều đó”.
Christine so sánh những người lạc quan với những người bi quan và nhận thấy những người lạc quan thì thường đạt được những điều sau:
- Thành công hơn trong học tập, công việc và thể thao.
- Khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn.
- Hài lòng với cuộc hôn nhân của họ.
- Ít có khả năng đối mặt với chứng trầm cảm và lo lắng.
Bước 4: Rèn luyện trí tuệ cảm xúc cho con
Trí tuệ cảm xúc (Emotional Quotient - EQ) là một kỹ năng, không phải là một đặc điểm bẩm sinh. Đó là khả năng nhận dạng, kiểm soát và điều hướng cảm xúc theo hướng tích cực. Việc cha mẹ giúp con phát triển trí tuệ cảm xúc sẽ là một nền tảng tốt cho con cải thiện khả năng giao tiếp và diễn đạt.
Nhà tâm lý học John Gottman đã đưa ra một số gợi ý giúp cha mẹ “huấn luyện cảm xúc” với trẻ. Bắt đầu bằng một việc đơn giản như việc cha mẹ “lắng nghe thấu cảm, xác định và thừa nhận cảm xúc” của con.
Ví dụ: Khi nghi ngờ trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, hãy hỏi trẻ “Điều gì sẽ xảy ra đây con?”. Nếu đúng trẻ đang có cảm giác bị bỏ rơi, hãy nói: “Con đúng, mẹ đã thực sự bận với em con nên không có thời gian để quan tâm tới con”.
Hãy để trẻ hiểu rằng cha mẹ hiểu được điều trẻ đang cảm nhận.
Bên cạnh đó, với sự hạn chế về từ vựng và sự hiểu biết sơ đẳng về nguyên nhân và hậu quả, trẻ thường gặp khó khăn khi diễn đạt điều đang cảm nhận.
Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ xây dựng vốn từ vựng cảm xúc bằng cách ghép những biểu hiện cảm xúc của trẻ bằng ngôn ngữ.
Ví dụ: Trẻ thất vọng khi không tìm thấy đồ chơi, hãy nói “Con cảm thấy buồn vì điều đó đúng không?”.
Bước 5: Dạy con về tính kỷ luật
Tính kỷ luật ở trẻ em mang tính dự đoán thành công trong tương lai nhiều hơn là trí thông minh.
Thí nghiệm của Walter Mischel về tính kỷ luật và tự kiểm soát đã chỉ ra rằng những đứa trẻ chống lại sự cám dỗ tốt hơn sẽ có nhiều khả năng có cuộc sống tốt và hạnh phúc hơn trong tương lai.
… Trong thí nghiệm này, những đứa trẻ sẽ được ngồi một mình và trước mặt chúng là 1 chiếc kẹo dẻo. Các bé có thể lựa chọn ăn viên kẹo trực tiếp luôn hoặc chờ 15 phút để được nhận 2 viên kẹo dẻo. Những đứa trẻ có khả năng kiểm soát bản thân và chờ đến khi được ăn viên kẹo dẻo thứ hai được dự đoán là sẽ có trí thông minh, các kỹ năng xã hội và đạt thành tích tốt trong học tập.
Lý giải một phần cho nhận định trên là do tính kỷ luật tạo những điều kiện thuận lợi giúp các bé cải thiện khả năng xử lý thông tin và hỗ trợ trong quá trình học tập. Ngoài ra, những đứa trẻ có tính kỷ luật có khả năng xử lý căng thẳng tốt hơn và có tinh thần trách nhiệm xã hội cao hơn. Nói cách khác, tính kỷ luật có thể giúp con người trở nên hạnh phúc hơn, gắn kết xã hội và cộng đồng.
Vậy, đâu là cách tốt nhất để dạy con tính kỷ luật và tự kiểm soát?
Hãy giúp trẻ học cách phân tâm khỏi sự cám dỗ.
Tiếp tục là thí nghiệm kẹo dẻo của Mischel, các nhà nghiên cứu đã che đi những viên kẹo dẻo để các bé không nhìn thấy. Khi những viên kẹo (hay còn hiểu là phần thưởng của các bé) được cất đi, 75% trẻ em tham gia nghiên cứu có thể đợi đủ 15 phút cho viên kẹo dẻo thứ hai. Không ai trong số những đứa trẻ có thể đợi lâu như vậy khi phần thưởng được nhìn thấy.
Bước 6: Hình thành thói quen hạnh phúc
Chúng ta đang ở bước 6 và có vẻ như tất cả những điều trên đã khiến cha mẹ phải ghi chép lại nhiều. Việc ghi nhớ những điều trên không chỉ là khó khăn đối với những đứa trẻ mà chính cha mẹ cũng sẽ gặp phải. Nhưng tất cả đều có thể làm được thông qua việc hình thành thói quen tốt.
Những công việc mà được chú tâm và lặp đi lặp lại mỗi ngày dù cố ý hay vô tình sẽ giúp con người hình thành những thói quen.
Vậy, đâu là cách để cha mẹ giúp trẻ xây dựng một thói quen tạo dựng niềm hạnh phúc? Tiến sĩ Carter đã nghiên cứu một số phương pháp:
- Loại bỏ yếu tố kích thích: Tránh xa những phiền nhiễu và cám dỗ.
- Thiết lập: Hãy thiết lập những mục tiêu phù hợp với bản thân
- Lựa chọn: Lựa chọn 1 mục tiêu và củng cố nó trước khi thêm các mục tiêu khác. Quá nhiều mục tiêu có thể khiến quá trình hình thành thói quen trở nên rối loạn. Điều đó sẽ giảm đi hiệu quả, đặc biệt đối với trẻ em.
- Nỗ lực: Đừng mong đợi sự hoàn hảo ngay lập tức. Mọi thói quen hay mục tiêu đều cần có thời gian. Hãy tiếp tục cố gắng phát huy.
Bước 7: Con được vui chơi tự do
Ngày nay, khái niệm về mindfulness (chánh niệm/ tỉnh thức) và thiền định đang dần trở nên phổ biến hơn và đó là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, để trẻ em thường xuyên tập luyện hai phương thức trên là cả một thách thức lớn. Vậy cha mẹ phải làm thế nào?
Hãy để trẻ em được chơi tự do nhiều hơn.
Hầu như khi trẻ em đang vui chơi, các bé đã và đang thực hành mindfulness trong vô thức. Vì một trong những yếu tố của thực hành mindfulness chính là tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc hiện tại. Tuy nhiên, trẻ em ngày nay có ít thời gian vui chơi hơn, bao gồm cả những hoạt động trong nhà hay ngoài trời. Có thể nói trong hai thập kỷ qua, mỗi tuần, trẻ em đã mất đi 8 tiếng được chơi và vận động tự do.
Chơi tự do cũng cho phép trẻ khám phá bản thân, về những gì chúng thích và không thích, và thậm chí phạm sai lầm mà không cảm thấy áp lực hay thất bại.
Các nhà nghiên cứu tin rằng sự sụt giảm thời gian chơi tự do của trẻ là một phần nguyên nhân khiến khả năng nhận thức và nhận biết cảm xúc của trẻ em chậm phát triển hơn… Dành thời gian chơi tự do (có hoặc không có sự hướng dẫn của người lớn) giúp trẻ học tính kỷ luật, thúc đẩy phát triển trí tuệ, thể chất và cảm xúc. Ngoài ra, trẻ em còn học cách làm việc theo nhóm, chia sẻ, thương lượng, giải quyết xung đột, điều chỉnh cảm xúc và hành vi của mình, đồng thời lên tiếng bảo vệ bản thân.
Bước 8: Xây dựng môi trường hạnh phúc
Giảm thiểu thời gian xem TV
… Đã có những nghiên cứu chứng minh mối liên hệ chặt chẽ giữa việc không xem tivi với việc con người có đang cảm thấy hạnh phúc hay không. Các nhà xã hội học chỉ ra rằng những người hạnh phúc có xu hướng ít xem TV hơn so với những người không hạnh phúc. Tuy nhiên, chưa có minh chứng cụ thể nào cho thấy việc xem TV có khiến mọi người cảm thấy không hạnh phúc hơn hay những người không hạnh phúc sẽ xem TV nhiều hơn. Nhưng chúng ta biết rằng bên cạnh việc xem TV, vẫn còn có rất nhiều hoạt động thú vị giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.
Nguồn tham khảo: TIME
Bình luận