Tiến sĩ Jonathan Haidt của NYU, nhà nghiên cứu tâm lý xã hội, cho biết có sự gia tăng mạnh mẽ về trầm cảm và lo âu trong thanh thiếu niên Mỹ bắt đầu từ 2011. "Tỉ lệ tự tử còn kinh khủng hơn. Trong nhóm nữ giới từ 15 đến 19 tuổi, tỉ lệ tự tử tăng 70 trong thập niên 2010" - ông nói.

Mạng xã hội ảnh hưởng mạnh mẽ tới Gen Z

Và Tristan Harris hình dung: "Tôi không quen bậc cha mẹ nào lại nói: "Tôi muốn con tôi lớn lên bị các nhà thiết kế công nghệ điều khiển, thao túng sự chú ý, khiến chúng không làm bài tập về nhà, khiến chúng so sánh mình với tiêu chuẩn cái đẹp phi thực tế". Chả ai muốn thế cả".

Mạng xã hội ngày càng thể hiện sự ảnh hưởng sâu rộng của mình tới tâm trí con người, đặc biệt, chúng “bám rễ" vào tư duy và nhận thức của con người. Generation Z là thế hệ mong manh, dễ giao động, họ đang trên con đường thể hiện và khẳng định cái tôi cá nhân của mình. Với thói quen lạm dụng smartphone và mạng xã hội, thế hệ này bắt đầu có xu hướng bị tước đoạt cá tính và định nghĩa riêng về bản thân. Họ bắt đầu hoài nghi “Tôi là ai?” “Những gì tôi thể hiện trên mạng xã hội có định nghĩa về con người tôi?”, “Tôi phải làm thế nào để khiến mình trở nên nổi bật trên mạng xã hội?". Những hoài nghi này, theo giới chuyên gia, dần dần sẽ dẫn đến sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa các cá nhân trong xã hội, giữa các thế hệ và giữa các cộng đồng.

Generation Z là thế hệ mong manh, dễ giao động, họ đang trên con đường thể hiện và khẳng định cái tôi cá nhân của mình

Chúng ta có thể cùng chung sống trong một “Thế giới phẳng", tuy nhiên, newsfeed của riêng mỗi người lại được các mạng xã hội “chăm bón" bằng hệ thống thông tin khác hẳn nhau, không được kiểm định rõ ràng, không phân biệt được thật - giả. Điều này, vô hình chung, tạo nên sự mâu thuẫn rõ rệt trong nhận thức của từng cá nhân, từng cộng đồng và ảnh hưởng sâu sắc toàn diện tới cục diện toàn xã hội. The Social Dilemma chứng minh cho điều này bằng những ví dụ vô cùng thực tế: sự nổi dậy của phong trào “Thế giới phẳng" qua 1 clip Youtube nói về thuyết âm mưu, thuyết Pizzagate nhắm vào Đảng dân chủ Mỹ xuất phát từ những clip trên Facebook nhắm vào những người tin vào thuyết âm mưu, khiến một người đàn ông kích động cầm súng đi giải cứu những đứa trẻ trong 1 tầng hầm “tưởng tượng” tại một nhà hàng Pizza. Hay nặng nề nhất là những thông tin trôi nổi gần đây trên Youtube và Tiktok về “Covid19 thực sự chỉ là thuyết âm mưu của chính phủ" “Covid19 không hề tồn tại",...

Từng có một quan niệm phổ biến rằng con người rồi sẽ thích nghi với công nghệ mới, chúng ta sẽ học được cách sống chung với các thiết bị này như cách đã sống chung với những tiến bộ công nghệ khác. Nhưng, The Social Dilemma nhắc họ một điều: thứ chúng ta đang đối mặt là hoàn toàn mới, hoàn toàn khác biệt, chưa từng có trong lịch sử.

TẠM KẾT

Có thể nói, The Social Dilemma thực sự là một lời khẳng định xác đáng, đủ căn cứ rằng “Mạng xã hội chính là con dao 2 lưỡi". Thời điểm bộ phim này ra mắt cũng được đánh giá là phù hợp, trong thời kỳ “cách ly xã hội” do sự bùng nổ của Covid19, khi con người gắn chặt hơn bao giờ hết với mạng xã hội, với shopping online, với tương tác online,... Sự lan truyền nhanh như chóng mặt của tin giả điều khiển nhận thức của con người gây tác động xấu tới xã hội. Khi “sự thật" vẫn chỉ là một khái niệm tương đối, các thuật toán thì không có khả năng phân định đâu là tin giả - đâu là tin thật, tin tức chỉ trở thành “sự thật" dưới sự tiếp cận và khả năng lan truyền cũng như phụ thuộc trực tiếp vào thói quen sử dụng mạng xã hội của người dùng.


Nhóm Mindful Class • 36 Articles

Một nhóm những đứa trẻ “to xác", luôn mong muốn được đón nhận kiến thức với sự vô tư thuần tuý và trí tò mò của một đứa trẻ.

Xem bài viết

Bình luận