Trái Đất là hành tinh thứ ba trong Hệ Mặt Trời và đây cũng là nơi mà chúng ta đang sống. Theo những hiểu biết của chúng ta cho đến bây giờ, Trái Đất là hành tinh duy nhất có tồn tại sự sống trong Hệ Mặt Trời hoặc thậm chí có thể là duy nhất trong vũ trụ bao la.
Là những công dân trên Trái Đất, liệu chúng ta đã có đầy đủ hiểu biết về "hành tinh xanh" - quê hương của hơn 7 tỷ người và hơn 7.7 triệu loài động vật khác (theo số liệu không chính thức)? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số kiến thức cơ bản nhất về sự hình thành của Trái Đất, nơi mà chúng ta gọi là "nhà".

Được tạo nên từ những hạt bụi và đá
Như bạn đã biết, Trái Đất là một thành viên trong đại gia đình Hệ Mặt Trời. Hệ Mặt Trời đã ra đời bằng sự co lại của một đám khí và bụi, được gọi là tinh vân Mặt Trời vào khoảng 4,6 tỷ năm trước. Không lâu sau đó, các hành tinh cũng dần được hình thành trong các đĩa vật chất xung quanh Mặt Trời. Và Trái Đất chính là một trong những hành tinh đó.
Từ những hạt bụi và những viên đá nhỏ, nhờ sự tác động của lực hấp dẫn, chúng được kéo lại với nhau và tạo thành những vật thể lớn hơn. Tiếp tục, những vật thể lớn này sẽ kết hợp với nhau dần dần cho đến khi nó đủ lớn và tạo thành một khối hình cầu mà chúng ta gọi là các hành tinh. Đây chính là cách mà Trái Đất đã được ra đời.
Được ra đời vào khoảng 4,54 tỷ năm trước, tuổi thọ Trái Đất chắc chắn là rất dài. Nên nhớ rằng, tuổi thọ của con người chỉ là 100 năm, văn minh loài người mới bắt được khoảng 10.000 năm và chiếc kính thiên văn đầu tiên của Galileo giúp con người đặt tầm mắt lên vũ trụ mới chỉ được ra đời vào khoảng 400 năm trước.

Tức là, tuổi thọ của Trái Đất hiện tại gấp 45,4 triệu lần so với tuổi thọ của con người, thời gian tồn tại của nền văn minh loài người chỉ chiếm 0,0002% chiều dài lịch sử của Trái Đất và con người cần đến 99,999991% thời gian tồn tại của Trái Đất để được nhìn thấy một phần rất rất rất nhỏ của vũ trụ qua chiếc kính thiên văn. Thú vị, phải không nào?
Từ một khối cầu rực lửa đến một hành tinh xanh
Hành tinh xanh hiện tại của chúng ta không phải lúc nào cũng "xanh" như bây giờ. Ban đầu, Trái Đất là một khối cầu rực lửa được bao phủ bởi dung nham ở dạng nóng chảy. Theo thời gian, khoảng 10-20 triệu năm, lớp vỏ ngoài bao phủ Trái Đất bắt đầu nguội dần và bắt đầu rắn lại, tạo thành bề mặt rắn của vỏ Trái Đất, trong khi nước bắt đầu tích tụ trong khí quyển.
Trong số 8 hành tinh đã được công nhận của Hệ Mặt Trời, chỉ có 4 hành tinh bao gồm Trái Đất là có bề mặt rắn (được gọi là các hành tinh đá). Bốn hành tinh đó lần lượt là sao Thuỷ, sao Kim, Trái Đất và sao Hoả trong khi 4 hành tinh phía ngoài là sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương được gọi là các hành tinh khí khổng lồ.

Các hành tinh rắn sẽ nằm gần hơn với Mặt Trời, trong khi vùng ngoài là nơi đặt các hành tinh khí. Đây là một yếu tố quan trọng để tạo nên sự sống trên các hành tinh. Vì đơn giản rằng: sẽ không thể có sinh vật sống nếu không có một bề mặt rắn cho những sinh vật ấy đặt chân.
TẠM KẾT
Trên đây chỉ là một sự giản lược rất nhiều về sự hình thành của Trái Đất. Về quá trình và lịch sử của hành tinh mà ta đang sống này, còn rất rất nhiều điều thú vị nữa. Hãy đón chờ những bài viết tiếp theo của INTO THE UNIVERSE nhé!
BÀI VIẾT ĐƯỢC THAM KHẢO TỪ
thienvanvietnam.org
Wikipedia
Bình luận